Sàn nâng kỹ thuật là gì

Sàn nâng kỹ thuật (còn biết với tên sàn thông minh, sàn kỹ thuật chống tĩnh điện) là loại sàn giúp tạo ra một khoảng không giữa các tấm sàn với sàn bê tông nhờ hệ thống chân đế nâng. Điểm nổi bật của loại sàn này là có thể tùy vào mục đích sử dụng mà chọn loại tấm sàn phù hợp cho nhà mình.

Sàn nâng kỹ thuật

Cấu trúc, tác dụng của sàn nâng kỹ thuật tĩnh điện

Sàn nâng kỹ thuật

Sàn nâng gồm một mạng lưới những khung kim loại hoặc chân đế giúp nâng sàn lên một độ cao tùy ý. Tác dụng chính của khoảng không này là giảm thiểu việc phải đi dây âm tường, dễ dàng sửa chữa. Ngoài ra, với mỗi loại sàn khác nhau lại có một tác dụng riêng biệt.

  • Với loại sàn nâng nguyên khối: Loại sàn này có lõi làm bằng xi măng, mặt phủ sắt sơn tĩnh điện đem đến khả năng chịu lực tuyệt vời. Khả năng chống ồn là một ưu điểm nổi bật khiến loại sàn nâng này thường được ứng dụng trong những phòng họp cao cấp.
  • Với loại sàn nâng có lỗ thông hơi: Với việc có thêm lỗ nhỏ trải đều, loại này cho phép gia chủ có thể lắp thêm hệ thống điều hòa dưới sàn nhà. Với giải pháp này, bạn có thể tiết kiệm được nhiều chi phí khi vận hành điều hòa theo kiểu truyền thống mà vẫn đảm bảo mặt thẩm mỹ cho ngôi nhà.

Hướng dẫn thi công sàn nâng kỹ thuật của PTN

Khi thi công, lắp đặt Sàn Nâng Kỹ Thuật, có một số điểm quan trọng cần phải tuân thủ, cụ thể như sau:

BƯỚC 1: Công tác chuẩn bị:
Nhận bản vẽ thiết kế chi tiết các thiết bị trên sàn, vị trí ổ cắm điện, vị trí các thiết bị, bản vẽ kết cấu chi tiết vách ngăn, cửa kính, cửa ra vào.... đã được phê duyệt từ Chủ đầu tư.
Tiếp nhận mặt bằng, mốc thực địa, các trục định vị và phạm vi công trình. Các mốc được đánh dấu, bảo quản bằng sơn. Ký nhận biên bản bàn giao mặt bằng.
Vì công trình là mặt bằng cải tạo vì vậy lưu ý vị trí các cửa được mở ra hay mở vào?. Cửa ở vị trí trên sàn nâng hay dưới sàn nâng ?. Kết hợp cùng bên thiết kế xem xét tất cả các vướng mắt còn tồn tại và đề xuất phương án giải quyết.

  • Liên hệ với đơn vị quản lý toà nhà và đơn vị liên quan để xin phép sử dụng các phương tiện công cộng, nguồn điện, nguồn nước cũng như phối hợp công tác giữ gìn an ninh chung.
  • Bố trí nhân viên trực 24/24h để tự bảo quản vật tư, vật liệu công trình.
  • Chuẩn bị 02 bình cứu hoả tại công trường
  • Chuẩn bị công cụ dụng cụ thi công.
  • Tập kết vật tư đến chân công trình.

BƯỚC 2:  Vệ sinh mặt bầng trước khi thi công

Tiến hành dọn vệ sinh sạch sẽ các vật liệu còn sót lại trên mặt sàn.

BƯỚC 3: Xác định chiều cao cần thiết của hệ thống sàn nâng kỹ thuật

  • Tiến hành đo đạc, xác định độ cao của sàn nâng tại vị trí xuất phát.
  • Cao độ của sàn nâng kỹ thuật được xác định và duy trì trong suốt quá trình thi công bằng máy cân bằng chuyên dụng tia laser.
  • Đảm bảo rằng các hệ thống phía dưới sàn sau khi thi công không bị ảnh hưởng bởi độ cao sàn và sàn vẫn duy trì được hệ thống đối lưu dưới mặt sàn.
  • Đối với vị trí cửa ra vào, để đảm bảo cho việc vận chuyển thiết bị và đi lại thuận tiện, các cửa phòng đều được tạo bậc lên xuống hoặc bục dốc.   

BƯỚC 4: Chia ô và xác định các vị trí chân đế   

Trên bản vẽ, tìm điểm bắt đầu lắp đặt tấm sàn trước nhất trên mặt bằng, phải đảm bảo chiều rông các tấm sàn cắt ở góc không nhỏ hơn 1/3 chiều rộng tấm (Nên tối thiểu rộng 150mm). Sau khi chọn được điểm bắt đầu, bật 2 đường mực vuông góc giao nhau tại điểm bắt đầu làm cơ sở để triển khai các đường chuẩn tiếp theo. Từ 2 đường chuẩn này, triển khai lưới các đường chuẩn vuông góc, kích thước ô lưới 600×600mm.
Việc cân chỉnh sàn để đạt chiều cao cần thiết sẽ được thực hiện bằng việc tăng hay giảm mặt bích chân đế thông qua hệ thống ren linh hoạt cấu tạo của chân đế.

BƯỚC 5: Lắp đặt hệ thống thanh đỡ ngang:

  • Tiến hành lắp đặt chân đế trên diện tích khoảng 100m2 bắt đầu từ điểm chuẩn và phát triển theo lưới chuẩn đã đánh dấu trên sàn.
  • Thanh đỡ ngang có tác dụng phân bổ đều khả năng chịu lực của tấm sàn và triệt tiêu sự dịch chuyển của cả hệ thống. Sau khi dán chân đế bằng keo dán chuyên dụng, chúng tôi sẽ tiến hành lắp đặt các thanh đỡ ngang, theo đúng quy chuẩn và kết cấu.
  • Thanh ngang đỡ tấm bằng thép được bắt bulong vào đệ đỡ của chân đế thép tạo thành một hệ chân - giằng liên kết chặt chẽ với nhau.
  • Chân đế và thanh giằng đều được dán đệm cao su chống ồn và cố định.
  • Cần kiểm tra nền để tránh việc vỡ hay nứt gạch trong lúc thi công.

BƯỚC 6: Lắp đặt mặt tấm sàn nâng kỹ thuật

  • Việc lắp đặt hệ thống mặt tấm sàn sẽ được tiến hành sau khi đã thi công hoàn chỉnh phần chân đế và thanh ngang. Đối với những tấm nguyên khổ thì đặt trực tiếp lên chân đế và thanh đỡ.
  • Đối với những tấm bị cắt do kích thước phòng thì sau khi lắp các tấm bị cắt sẽ chèn keo silicon làm kín các vị trí tiếp xúc giữa sàn nâng và tường.
  • Lắp đặt tấm sàn đến đâu hoàn chỉnh ngay đến đó.
  • Sau khi lắp đặt xong toàn bộ sàn chúng tôi sẽ tiến hành lấy phẳng và kiểm tra hệ thống mạch tấm lần cuối.

BƯỚC 7: Cắt lỗ để lắp hộp điện / mạng âm sàn.
Dựa trên bản vẽ để xác định các vị trí cần cắt, lắp.

BƯỚC 8: Hoàn thiện

  • Vệ sinh sạch sẽ sàn trước khi bàn giao cho Chủ đầu tư
  • Hướng dẫn Chủ đầu tư cách sử dụng, bảo quản sàn nâng kỹ thuật nhằm duy trì độ bền đẹp của sàn nâng.
  • Hướng dẫn sử dụng tay nâng tấm sàn.

Lưu ý: Chỉ dùng khăn ẩm, không tưới nước lên bề mặt sàn